Quản lý nghiêm ngặt nước thải chăn nuôi theo quy chuẩn mới 2025

Trong bối cảnh chăn nuôi công nghiệp ngày càng phát triển mạnh mẽ, vấn đề nước thải chăn nuôi đang trở thành một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường. Do đó hiện nay việc kiểm soát, quản lý nghiêm ngặt nước thải chăn nuôi được cơ quan quản lý môi trường đặc biệt quan tâm. Trước thực trạng này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành QCVN 62:2025/BTNMT, siết chặt hơn các tiêu chuẩn trong quản lý nước thải chăn nuôi, hướng đến chăn nuôi bền vững và bảo vệ tài nguyên nước. Bài viết này sẽ phân tích các quy định mới và giải pháp hiệu quả giúp doanh nghiệp tuân thủ.

Quy định về việc quản lý nước thải chăn nuôi theo Quy chuẩn QCVN 62:2025/BTNMT

Các quy định liên quan đến quản lý nước thải trong hoạt động chăn nuôi được quy định tại một số văn bản pháp lý quan trọng, bao gồm: Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật Chăn nuôi 2018 và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 62:2025/BTNMT về nước thải chăn nuôi, được ban hành kèm theo Thông tư 04/2025/TT-BTNMT (có hiệu lực từ ngày 01/09/2025).

Quy định về việc quản lý nước thải chăn nuôi theo Quy chuẩn QCVN 62:2025/BTNMT

Theo Quy chuẩn QCVN 62:2025/BTNMT, các quy định về quản lý nước thải chăn nuôi được nêu rõ như sau: Các thông số ô nhiễm và giới hạn cho phép của chúng trong nước thải chăn nuôi từ các dự án đầu tư hoặc cơ sở chăn nuôi khi xả ra nguồn tiếp nhận phải được quy định cụ thể trong quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường hoặc văn bản đăng ký môi trường. Trong đó, văn bản đăng ký môi trường bắt buộc phải cung cấp đầy đủ thông tin về ít nhất một biện pháp xử lý hoặc quản lý nước thải chăn nuôi theo quy định tại mục 2.2 của Quy chuẩn này.

  • Việc xả nước thải chăn nuôi vào nguồn nước tiếp nhận được coi là đạt chuẩn và tuân thủ Quy chuẩn này khi kết quả kiểm tra, phân tích các chỉ tiêu ô nhiễm không vượt ngưỡ giới hạn cho phép theo quy định tại Bảng 1 của Quy chuẩn, trừ các trường hợp ngoại lệ được nêu tại mục 2.2.2.2.
  • Quá trình đánh giá mức độ tuân thủ Quy chuẩn sẽ được thực hiện bằng cách lấy mẫu nước thải để quan trắc và phân tích trước khi xả thải ra môi trường.
  • Theo quy định mới, nước thải chăn nuôi khi được đấu nối vào hệ thống thu gom và xử lý nước thải đô thị hoặc khu dân cư tập trung phải đảm bảo đúng yêu cầu của đơn vị quản lý, vận hành hệ thống hoặc tuân theo quy định của chính quyền địa phương.
  • Trường hợp nước thải chăn nuôi được xả chung với nước thải công nghiệp, cần phải quản lý theo quy định dành cho nước thải công nghiệp tại QCVN 40:2025/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải công nghiệp.

Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quản lý nước thải chăn nuôi:

  • Chủ đầu tư dự án, cơ sở chăn nuôi có trách nhiệm đảm bảo các thông số ô nhiễm không vượt quá giới hạn cho phép theo quy định tại Bảng 1 của Quy chuẩn. Trường hợp áp dụng biện pháp xử lý nước thải bằng thiết bị khí sinh học (hầm biogas), bể ủ hoặc bể lắng, cần tuân thủ các yêu cầu về xử lý và quản lý nước thải quy định tại Mục 2.2.2.2 của Quy chuẩn này.
  • UBND tỉnh có trách nhiệm rà soát và điều chỉnh quy chuẩn kỹ thuật môi trường địa phương liên quan đến nước thải chăn nuôi, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật, tình hình phát triển kinh tế – xã hội địa phương và các yêu cầu của Quy chuẩn này.

Tại sao cần quản lý nghiêm ngặt nước thải chăn nuôi?

Việc xử lý nước thải chăn nuôi không chỉ là yêu cầu bắt buộc theo quy định pháp luật mà còn là giải pháp quan trọng nhằm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Trên thực tế, nhiều cơ sở đã bị xử phạt do không tuân thủ các quy định này. Bên cạnh việc đáp ứng pháp lý, quản lý nước thải chăn nuôi hiệu quả còn mang lại những lợi ích thiết thực như:

  • Bảo vệ nguồn nước: Nước thải chăn nuôi chứa nhiều chất ô nhiễm như chất hữu cơ, Amoni, Nitơ, Phốt pho, vi sinh vật gây bệnh… Nếu không được xử lý, chúng sẽ ngấm vào nước mặt và nước ngầm, dẫn đến ô nhiễm nguồn nước, gây hiện tượng phú dưỡng và phá hủy hệ sinh thái thủy sinh.
  • Giảm thiểu ô nhiễm không khí và mùi hôi: Quá trình phân hủy chất thải sinh ra các khí độc như Amoniac, Hydro Sunfua… gây mùi khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và chất lượng sống của cộng đồng xung quanh.
  • Bảo vệ chất lượng đất: Việc xả thải trực tiếp làm thay đổi tính chất đất, tăng độ mặn, tích tụ kim loại nặng, dẫn đến thoái hóa đất và giảm năng suất canh tác.
  • Ngăn ngừa dịch bệnh: Nước thải chưa qua xử lý là môi trường lý tưởng cho mầm bệnh phát triển, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh cho vật nuôi và con người, đặc biệt ở các trang trại quy mô lớn.
  • Nâng cao uy tín và giá trị sản phẩm: Các cơ sở áp dụng hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn không chỉ thể hiện trách nhiệm với môi trường mà còn tạo dựng niềm tin với khách hàng, đối tác và cơ quan quản lý. Điều này góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, đáp ứng xu hướng tiêu dùng hướng đến sản phẩm sạch và bền vững.

Việc tuân thủ quy định và đầu tư xử lý nước thải chăn nuôi không chỉ giúp tránh các rủi ro pháp lý mà còn góp phần phát triển ngành chăn nuôi theo hướng an toàn và bền vững.

Kết Luận

Việc quản lý nghiêm ngặt nước thải chăn nuôi theo quy chuẩn mới QCVN 62:2025/BTNMT là một bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và hướng tới sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi tại Việt Nam. Việc tuân thủ nghiêm túc các quy định không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn góp phần nâng cao uy tín và trách nhiệm của các cơ sở chăn nuôi đối với cộng đồng. Hy vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích và toàn diện về vấn đề này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

wechat