Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, việc quản lý chất thải một cách công khai, minh bạch đã trở thành yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết. Để đạt được mục tiêu này, việc xây dựng mô hình MRV (Đo đạc, Báo cáo, Thẩm tra) đóng vai trò then chốt,thúc đẩy sự bền vững trong lĩnh vực quản lý chất thải. Đây là công cụ hỗ trợ cơ quan quản lý và doanh nghiệp đảm bảo tính công khai, minh bạch trong giám sát phát thải và xử lý chất thải.
Tổng quan về quản lý chất thải tại Việt Nam
Sự phát triển nhanh chóng của kinh tế – xã hội (KT-XH), quá trình đô thị hóa và sự gia tăng dân số đang tạo ra áp lực ngày càng lớn đối với môi trường do lượng chất thải phát sinh liên tục gia tăng. Theo số liệu thống kê năm 2019, lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại các đô thị đạt 35.624 tấn/ngày, trong khi khu vực nông thôn là 28.394 tấn/ngày. CTRSH ở đô thị chiếm hơn 50% tổng lượng CTRSH trên toàn quốc, tăng từ 32.000 tấn/ngày vào năm 2014 lên 35.624 tấn/ngày vào năm 2019. Tuy nhiên, công tác quản lý và kiểm soát chất thải vẫn còn nhiều hạn chế, làm gia tăng nguy cơ tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Trong lĩnh vực chất thải, một số loại khí nhà kính (KNK) có thể phát sinh bao gồm CO2, CH4 và N2O. Các nguồn phát thải chính gồm: chôn lấp chất thải rắn, xử lý sinh học chất thải, thiêu hủy và đốt chất thải, xử lý và xả nước thải. Đáng chú ý, CH4 từ các bãi chôn lấp chất thải rắn (SWDS) chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng lượng KNK của ngành này. Ngoài ra, quá trình xử lý và xả thải nước cũng góp phần đáng kể vào phát thải KNK. Không chỉ vậy, hoạt động này còn sinh ra các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi không metan (NMVOCs), NOx, CO và NH3, trong đó NOx chủ yếu xuất hiện từ quá trình đốt chất thải, còn NH3 được tạo ra từ hoạt động ủ phân compost. NOx và NH3 có thể gián tiếp dẫn đến phát thải N2O, nhưng với tỷ lệ không đáng kể.
Mỗi năm, hoạt động quản lý chất thải trên toàn cầu phát sinh khoảng 1,3 tỷ tấn CO2-tđ. Tuy nhiên, lĩnh vực này cũng mở ra cơ hội chuyển từ “nguồn phát thải” thành “nguồn cắt giảm” KNK nếu được quản lý hiệu quả. Việc áp dụng các hệ thống quản lý và công nghệ xử lý chất thải theo hướng khoa học, bền vững sẽ giúp giảm đáng kể lượng khí thải ra môi trường. Khi nhiều đô thị, quốc gia và vùng lãnh thổ cùng chung tay thực hiện, hoạt động này sẽ góp phần quan trọng vào việc tái chế tài nguyên và giảm phát thải KNK trên phạm vi rộng.
Xây dựng mô hình hệ thống công khai, minh bạch cho các hoạt động trong quản lý chất thải.
Các bước xây dựng mô hình MRV
Dựa trên tổng hợp tài liệu quốc tế và thực tiễn giảm nhẹ biến đổi khí hậu tại Việt Nam, nghiên cứu đề xuất quy trình 04 bước để xây dựng mô hình MRV cho hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK trong quản lý chất thải như sau:
Bước 1: Trước khi triển khai hoạt động giảm nhẹ, cần thu thập đầy đủ thông tin liên quan để đảm bảo MRV có thể theo dõi và đánh giá hiệu quả hoạt động.
Bước 2: Sau khi có đầy đủ thông tin, cần xác định các yếu tố cụ thể của MRV, bao gồm:
- Xây dựng đường cơ sở để đo lường hiệu quả giảm phát thải;
- Xác định các nội dung cần thẩm định trong quá trình thực hiện;
- Xác định các nội dung cần báo cáo để đảm bảo minh bạch.
Bước 3: Thiết lập bộ chỉ số đo lường nhằm đánh giá chính xác mức độ giảm phát thải của hoạt động.
Bước 4: Xác định vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan để đảm bảo quá trình MRV được thực hiện hiệu quả trong quản lý chất thải.
Các yếu tố MRV trong hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK
M (Monitoring) – Giám sát: Cần thiết lập đường cơ sở (Baseline) để theo dõi các biện pháp giảm nhẹ phát thải KNK. Đường cơ sở này phải bao gồm bộ chỉ số đánh giá quá trình và hiệu quả của các hoạt động giảm phát thải. Đồng thời, cần làm rõ các nguồn dữ liệu đầu vào, phương pháp tính toán, nhằm đảm bảo cơ sở xác định mức độ hiệu quả của các biện pháp đã triển khai.
R (Reporting) – Báo cáo: Cần xác định rõ Báo cáo hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK trong quản lý chất thải, bao gồm các biểu mẫu cần thiết và đối tượng tiếp nhận báo cáo. Bên cạnh đó, cần xác định rõ cơ quan có thẩm quyền yêu cầu nộp và phê duyệt báo cáo, đảm bảo tuân thủ đúng quy định.
V (Verification) – Thẩm định: Cần xây dựng nội dung thẩm định chi tiết, bao gồm hệ thống các câu hỏi đánh giá và quy trình thẩm định toàn bộ quá trình thực hiện cũng như kết quả của các biện pháp giảm phát thải. Việc thẩm định này cần có sự tham gia của các cơ quan chuyên môn, như viện nghiên cứu, trường đại học và các chuyên gia hàng đầu về biến đổi khí hậu. Thời gian thẩm định sẽ được xác định dựa trên kết quả đánh giá hiệu quả của các hoạt động giảm phát thải.

Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ công khai, minh bạch cho các hoạt động trong quản lý chất thải.
Phương pháp xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ công khai, minh bạch
Quy trình xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ công khai, minh bạch trong giảm phát thải KNK lĩnh vực quản lý chất thải
Nhóm nghiên cứu đã thực hiện quy trình xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ công khai, minh bạch trong các hành động giảm phát thải khí nhà kính (KNK) thuộc lĩnh vực quản lý chất thải theo các bước sau:
Bước 1: Rà soát và phân tích các nội dung liên quan đến MRV
Quá trình này nhằm xác định rõ các yếu tố cần thiết trong hệ thống đo lường, báo cáo và thẩm định (MRV) đối với các hành động giảm phát thải KNK. MRV được chia thành các giai đoạn chính để phân tích như sau:
- Giai đoạn chuẩn bị: Tập trung đánh giá các yếu tố nền tảng như chính sách, thể chế liên quan đến hoạt động giảm phát thải; phương pháp luận để đánh giá lượng phát thải; nguồn dữ liệu và chất lượng cơ sở dữ liệu phục vụ tính toán phát thải KNK trong quản lý chất thải.
- Giai đoạn đo đạc: Xác định nội dung cần đo đạc, trong đó trọng tâm là kết quả đánh giá định lượng về phát thải KNK theo từng lĩnh vực dựa trên kiểm kê phát thải lĩnh vực chất thải.
- Giai đoạn báo cáo: Sau khi hoàn thành công tác đo đạc, việc báo cáo sẽ được thực hiện với trọng tâm là các nội dung liên quan đến đo đạc phát thải KNK. Đồng thời, cần xác định rõ các tổ chức có trách nhiệm thực hiện báo cáo phát thải lĩnh vực quản lý chất thải.
- Giai đoạn thẩm định: Đây là bước cuối cùng trong hệ thống MRV, nhằm kiểm tra, xác minh lại quá trình đo đạc và báo cáo phát thải KNK. Việc thẩm định sẽ được thực hiện bởi bên thứ ba để đảm bảo tính khách quan và minh bạch.
Bước 2: Tham vấn chuyên gia về các tiêu chí đề xuất
Nhóm nghiên cứu tiến hành xin ý kiến chuyên gia để đảm bảo tính chính xác, phù hợp của các tiêu chí thiết lập trong hệ thống MRV. Việc này giúp điều chỉnh và hoàn thiện bộ tiêu chí, góp phần nâng cao mức độ công khai, minh bạch trong các hoạt động giảm phát thải KNK lĩnh vực quản lý chất thải.
Bước 3: Hoàn thiện bộ tiêu chí và thiết lập quy trình MRV
Dựa trên các đánh giá và góp ý của chuyên gia, nhóm nghiên cứu điều chỉnh, hoàn thiện bộ tiêu chí để áp dụng vào việc tính toán và triển khai quy trình MRV. Mục tiêu của bước này là đảm bảo một hệ thống MRV hiệu quả, góp phần nâng cao tính minh bạch trong các hành động giảm nhẹ phát thải KNK trong lĩnh vực quản lý chất thải.
Đề xuất bộ tiêu chí đánh giá mức độ công khai, minh bạch
Bộ tiêu chí đánh giá tính công khai và minh bạch trong các biện pháp giảm nhẹ phát thải trong quản lý chất thải được xây dựng dựa trên việc nghiên cứu các văn bản pháp luật hiện hành và tham vấn ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực.

Nghiên cứu đã đề xuất 29 tiêu chí nhằm đánh giá mức độ công khai, minh bạch của các hành động giảm phát thải KNK trong quản lý chất thải. Để thực hiện đánh giá, cần xây dựng một thang đo với các cấp độ khác nhau. Theo đề xuất, thang đo gồm 4 mức: không đạt, đạt, tốt và rất tốt, được xác định dựa trên tổng điểm đánh giá.
Kết Luận
Xây dựng mô hình MRV đánh giá mức độ công khai, minh bạch trong quản lý chất thải là giải pháp tối ưu để giải quyết các thách thức về môi trường hiện nay. Với khả năng đo lường chính xác, báo cáo minh bạch và kiểm định nghiêm ngặt, MRV không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý chất thải mà còn góp phần xây dựng một xã hội bền vững và có trách nhiệm với môi trường.