Dự báo đến năm 2030, Việt Nam sẽ thiết lập hai khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, bảy khu vực xử lý chất thải cấp vùng và nhiều khu xử lý chất thải tập trung cấp tỉnh/thành phố để giải quyết vấn đề chất thải rắn kéo dài nhiều năm qua.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, với tầm nhìn đến năm 2050.
Một trong những mục tiêu quan trọng của Quy hoạch là phát triển hệ thống khu xử lý chất thải tập trung đồng bộ từ cấp quốc gia, cấp vùng đến cấp tỉnh, với quy mô công suất và công nghệ xử lý phù hợp. Các khu xử lý này sẽ đáp ứng nhu cầu tiếp nhận và xử lý toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại trên toàn quốc. Mục tiêu là giảm thiểu tối đa lượng chất thải chôn lấp trực tiếp, thực hiện phân loại rác tại nguồn và thúc đẩy việc tái chế, tái sử dụng chất thải.
Cụ thể, đến năm 2030 sẽ hình thành ít nhất 2 khu vực xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, 7 khu xử lý chất thải cấp vùng, và ít nhất một khu xử lý chất thải cấp tỉnh tại mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương.
Trước tiên, sẽ tiến hành điều tra, đánh giá và xác định các khu vực phù hợp để xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng và cấp tỉnh.
Theo dự kiến, hai khu xử lý chất thải cấp quốc gia sẽ được xây dựng, bao gồm Khu xử lý chất thải tổng hợp Dung Quất, nằm tại xã Tịnh Phong và xã Bình Thanh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi với quy mô 80ha vào năm 2030 và mở rộng lên 150ha vào năm 2050. Thứ hai là Khu công nghệ môi trường xanh tại xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, có diện tích khoảng 200ha vào năm 2030 và dự kiến đạt 500ha vào năm 2050.
Tại vùng Đồng bằng sông Hồng, Khu xử lý chất thải Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội sẽ tiếp tục hoạt động. Khu xử lý chất thải Sông Công ở tỉnh Thái Nguyên sẽ được hình thành và phát triển tại khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc.
Ở Tây Nguyên, một khu xử lý chất thải sẽ được xây dựng tại xã Đạo Nghĩa, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông.
Tại Đông Nam Bộ, ba khu xử lý chất thải rắn cấp vùng sẽ được thành lập, bao gồm Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM; Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi, TP.HCM; và Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương tại thị xã Bến Cát, Bình Dương. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, khu xử lý chất thải nguy hại sẽ được xây dựng tại Cà Mau.
Song song với việc xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung, quy hoạch cũng đề xuất đầu tư thiết bị thu gom và xây dựng trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị, mở rộng mạng lưới thu gom chất thải rắn ở nông thôn. Việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, khuyến khích tận dụng chất thải thực phẩm để làm phân hữu cơ và thức ăn chăn nuôi, cùng với việc thúc đẩy tái chế và tái sử dụng rác thải cũng sẽ được chú trọng.
Ngoài ra, sẽ thực hiện các biện pháp ngăn chặn việc nhập khẩu công nghệ lạc hậu, phát sinh nhiều chất thải và tiêu hao nguyên vật liệu.
Về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, quy hoạch đặt mục tiêu đa dạng hóa các công nghệ xử lý, khuyến khích áp dụng các công nghệ thân thiện với môi trường, tiếp tục tăng cường đồng xử lý và kết hợp thu hồi năng lượng, đồng thời hạn chế và tiến tới chấm dứt đầu tư mới cho các khu xử lý chất thải tập trung bằng công nghệ chôn lấp.
Xem thêm: Thực trạng thu gom rác thải công lập và dân lập